Kiến thức chăm sóc cây cần biết

Cách trồng sen đá

Với đặc tính dễ sinh sống trong môi trường khó khăn, sen đá tượng trưng cho sự bền bỉ và sức sống mãnh liệt. Loài hoa này mang ý nghĩa mọi việc đều có cách giải quyết riêng của nó, miễn là chúng ta dũng cảm, dám đương đầu và dám đối diện.

Không chỉ vậy, sen đá còn đại diện cho tình yêu thuỷ chung, không thay đổi theo thời gian bởi đặc tính của chúng là dễ dàng sống trong môi trường khó khăn, khô cằn. Nó còn thể hiện cho một tình yêu giản đơn, mộc mạc thuần khiết nhưng sẵn sàng đối diện với gian nan thử thách, một lòng một dạ bên nhau.

Sen đá là loài dễ sống và dễ chăm sóc

Ý nghĩa đặc biệt trong phong thuỷ: Sen đá biểu hiện cho sự may mắn, tài lộc. Màu xanh mang lại sự tươi mát cho không gian và tâm hồn. Cây sống khỏe trong thời tiết khó khăn và dễ chăm sóc nên thường được mọi người ưu ái đặt trên kệ sách, bàn làm việc hay ban công, vườn hoa nhỏ.

TÌM HIỂU VỀ SEN ĐÁ

Sen đá (hay còn gọi là liên đài, hoa đá) có hơn 60 họ và gần 400 loài có nguồn gốc từ Mexico đến tây bắc Nam Mỹ. Cây sống tự nhiên trong vùng khí hậu có nhiệt độ cao, khô cằn và ít nước như sa mạc, vùng núi đá nên khá dễ sinh sống và chăm sóc. Sen đá ưa nắng và khá dễ trồng, chịu khô hạn tốt, kể cả trong mồi trường thiếu chất dinh dưỡng.

Sen đá có đặc điểm thuộc loại thuốc bỏng, thường sống lâu năm, không có thân cây (thân cây tiêu biến). Lá sen đá nhỏ, mọng nước, xếp theo hình hoa thị giống hoa sen. Lá cây khi rụng khỏi cây có khả năng đâm chồi mọc thành cây mới.

CÁCH TRỒNG SEN ĐÁ ĐƠN GIẢN TẠI NHÀ

Sen đá rất dễ trồng và chăm sóc nhưng một vài người vẫn than vãn rằng họ không thể trồng chúng. Rất có thể họ đã mắc phải một số sai lầm cơ bản trong việc lựa chọn chậu trồng hoặc chọn giá thể chưa phù hợp. Hãy để chúng tôi gợi ý giúp bạn cách trồng sen đá hiệu quả dưới đây:

1. Chọn chậu trồng sen đá

Bạn cần chọn loại chậu có lỗ thoát nước tốt, vì cây sen đá quen sống trong môi trường khô hạn nên không chịu được ngập úng. Bạn có thể sử dụng các loại chậu nhựa, chậu sứ tùy sở thích. Hãy sử dụng một lớp đá để lót chậu để đảm bảo nước được thoát ra, không bít các lỗ chậu. Một số loại đá dùng để lót chậu có hiệu quả như: đá pumice, đá nham thạch, ….

2. Đất trồng sen đá

Vì sen đá không chịu được môi trường ẩm ướt quá lâu nên cần phải chọn loại đất có độ thông thoáng cao, khả năng thoát nước tốt. Tùy từng vùng miền, cách thức lựa chọn chất trồng cũng khác nhau. Ở những vùng thời tiết mát mẻ như Đà Lạt, người ta thường chỉ sử dụng mụn dừa kết hợp đá perlite, cây sen đá vẫn phát triển tốt.

Tuy nhiên, đối với những nơi thời tiết khô hanh, nắng nóng như Hà Nội, Sài Gòn, …các tỉnh thành gần kề 2 thành phố lớn này thì cây lại rất dễ chết. Nguyên nhân là nếu bạn sử dụng lượng lớn mụn dừa sẽ khiến cho bộ rễ bị bí, nóng dẫn đến cây bị thối rễ. Bên cạnh đó, nếu mụn dừa không được xử lý kỹ cũng khiến cho cây bị lụi nhanh chóng bởi 2 thành phần là Tanin và Lignin mà dân trồng cây quen gọi là “chất chat”. Hai chất này cản trở trực tiếp sự phát triển của cây bởi chúng làm tắc đường hút không khí khiến cho bộ rễ ngột ngạt và ngăn chặn khả năng đưa dinh dưỡng đi nuôi cây.

Vậy giải pháp nào để sen đá có thể phát triển trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như Hà Nội và Sài Gòn ?

Đó chính là một loại giá thể cực kỳ thoáng nhưng vẫn đảm bảo được dinh dưỡng cho cây. Cách tốt nhất hiện nay được nhiều tín đồ sen đá sử dụng cũng như khá thịnh hành là hỗn hợp bao gồm: Đá Perlite, Đá Pumice, Peatmoss và Phân trùn quế.

  • Đá Perlite hiện nay được sử dụng rất nhiều trong nông nghiệp và làm vườn ở các quốc gia phát triển. Với cấu trúc là những hạt xốp nhẹ, có khả năng thoát nước tốt, đá Perlite đóng vai trò quan trọng trong việc tạo độ thoáng khí cho bộ rễ, giữ đất không bị nén chặt, kích thích các rễ non phát triển. Vậy nên, đá Perlite chính là thành phần không thể thiếu trong việc trồng sen đá.
  • Đá Pumice được sử dụng với 2 vai trò tích cực là lót chậu, tạo độ thông thoáng cho đáy chậu để gia tăng khả năng thoát nước và trộn cùng hỗn hợp giá thể giúp những rễ nhỏ liên kết với nhau. Pumice thường sử dụng cho trồng sen đá là Pumice size nhỏ 3-6mm.

  • Peatmoss chính là giải pháp hiệu quả để thay thế mụn dừa. Trong Peatmoss không có chất chat, chúng là dạng rêu mục đã qua xử lý, không chứa các sinh vật gây hại cũng như các hạt cỏ dại. Sử dụng peatmoss trong giá thể trồng cây giúp giữ nước và dinh dưỡng cho cây. Hơn thế nữa, các chat humic có trong rêu mục còn giúp tăng cường quá trình trao đổi chất của cây, giúp cây lớn nhanh và khỏe mạnh.
  • Phân trùn quế được trộn cùng giá thể nhằm tăng độ dinh dưỡng cho đất. Chúng cung cấp các khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của cây trồng như đạm, lân, kali, canxi, …Đặc biệt, việc sử dụng phân trùn quế rất tiện lợi bởi chúng được hấp thụ ngay trong đất mà không cần phải trải qua thời gian hoai mục hay phân hủy.

Lưu ý: Bạn có thể sử dụng thêm một phần nhỏ đá Vermiculite trong hỗn hợp đất trồng để làm tăng khả năng ra rễ của cây. Tuy nhiên, không nên sử dụng chúng quá nhiều bởi khả năng giữ ẩm của đá Vermiculite cao hơn đá Perlite sẽ dẫn tới tình trạng úng nước, khiến cây sen đá bị thối rễ và chết.

3. Kỹ thuật trồng sen đá

Ngoài việc chọn đất trồng phù hợp thì kỹ thuật trồng cũng có ý nghĩa lớn đối với khả năng sinh sống và phát triển của cây sen đá.

Với đất trồng đã chuẩn bị như trên, bạn hãy:

  • Cho đầy 2/3 chậu trồng
  • Nhẹ nhàng đặt cây sen vào đất ngay chính giữa chậu
  • Một tay giữ cố định cây, một tay cho thêm đất vào chậu cho đến khi đầy miệng chậu rồi nhẹ nhàng ấn đất xuống để cố định gốc cây và dáng cây.
  • Để cây nơi khô ráo và giữ ẩm hàng ngày cho cây.

4. Cách nhân giống sen đá

Để nhân giống 1 cây sen đá rất đơn giản, chúng không cần cầu kỳ như những loại cây khác. Bạn chỉ cần chọn một chiếc lá là có thể trồng được cây mới. Đầu tiên, hãy chọn một chiếc lá bánh tẻ hoặc hơi già một chút sẽ dễ mọc cây con hơn.

Đặt lá ở nơi cát ẩm hoặc đất ẩm, kết hợp nơi có bóng mát và độ ẩm cao càng tốt. Khoảng 1 – 2 tuần sau từ cuống lá sẽ mọc ra chồi non mới. Trong thời gian này, bạn không nên tưới nhiều nước. Khi bề mặt đất trồng bị khô bạn nên phun sương làm ẩm, không nên tưới trực tiếp lên lá. Tưới lên lá rất dễ làm cho lá bị thối.

Lấy những mầm lá này để ươm thành cây mới và trồng trong môi trường đất trồng đã được hướng dẫn ở trên.

Đặt các chậu ươm nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp.

Cần lưu ý là các chồi non mới nảy mầm này khá dễ gãy nên cần hết sức cẩn thận. Nếu muốn an toàn và hiệu quả hơn thì chúng ta nên để từ 1 – 2 tháng, khi mầm này đã phát triển thành cây cứng cáp hơn rồi mới đem trồng.

Việc trồng sen đá bằng hạt có tỉ lệ thành công thấp hơn. Nguyên nhân chính là do chất lượng hạt giống. Bên cạnh đó thời gian chăm sóc cũng dài hơn nên ít người chọn phương pháp nhân giống sen đá bằng việc ươm hạt.

CÁCH CHĂM SÓC SEN ĐÁ

1. Dụng cụ tưới nước cho sen đá

Khi tưới sen đá nên dùng các dụng cụ đơn giản như cốc, bát,... Hoặc những bình tưới nước dành cho cây cảnh, để ở chế độ vòi tưới thay vì phun sương. Tuyệt đối không nên dùng bình phun sương, bình xịt để tưới vào lá cây sen đá bởi vì như vậy sẽ làm nước đọng lại trên lá, khiến lá dễ bị thối. Bình xịt phun xương cũng không đủ làm ẩm cho đất được.Để yên tâm hơn bạn có thể sử dụng vòi dài chuyên dụng dành cho sen đá, xương rồng.

2. Cách tưới nước cho sen đá

Cách tưới nước cho sen đá phụ thuộc vào dụng cụ tưới đang dùng và chỉ nên dùng nước máy hoặc nước giếng thông thường để tưới cho cây sen đá. Nếu bạn đang dùng cốc hoặc chén thì tưới thẳng vào vùng đất xung quanh chậu sao cho nước ngấm vừa đủ vào toàn bộ đất, tránh tối đa việc nước đọng lại trên lá. Nếu sử dụng bình tưới thì chúng ta chỉnh thành dạng vòi nước rồi phun nhẹ để tránh nước bắn tung toé lên lá và ra xung quanh.

Bạn cũng có thể đặt chậu cây vào xô nước để nước ngập 2/3 chậu là đủ. Sau 1-2 phút lấy ra để ráo. Cách này sẽ khiến nước ngấm vào đất mà lá thì không bị dính nước.

Nếu sử dụng bình chuyên dụng thì sẽ dễ dàng hơn. Bình có vòi dài định hướng dòng chảy nên chỉ cần cho vòi vào sát gốc và bơm nước ngấm thẳng vào đất. Trên bình thể hiện thể tích nên dễ dàng kiểm soát lượng nước tưới phù hợp.

Việc tưới nước nhiều hay ít phụ thuộc vào thời tiết. Nếu thời tiết khô thì nên tưới 2-4 lần một ngày. Thời tiết mát mẻ có thể tưới 1-2 lần một tuần. Lượng nước nhiều hay ít sẽ tuỳ thuộc vào loại đất trồng bạn dùng. Đất thịt như đất phù sa hay đất mùn có độ giữ nước tốt, thoát nước kém nên chỉ cần tưới 3-4 ngày một lần là đủ.

3. Thay đất cho sen đá

Sen đá là loại cây không cần nhiều dinh dưỡng, tuy nhiên nếu bạn muốn cây được khoẻ mạnh và phát triển tốt thì nên thường xuyên bổ sung chất vào đất hàng tháng bằng một số cách: phân bón qua lá (20-20-20), phân dynamic, phân tan chậm. Với giá thể trộn như trên bạn chỉ cần thay đất 1 năm 1 lần, vừa tiết kiệm thời gian vừa tiết kiệm công sức, tiền bạc.

4. Ánh sáng

Sen đá cũng giống các loại cây mọng nước khác là cần rất nhiều ánh sáng. Trung bình mỗi ngày sen đá cần hấp thụ ánh sáng từ 6-8 tiếng để thực hiện quá trình quang hợp, giúp màu sắc của lá tươi sáng hơn và phòng ngừa được các dịch bệnh gây hại. Nếu thiếu ánh sáng thì cây sẽ xảy ra hiện tượng rụng lá.

Vì vậy, nếu sen đá được trồng trong chậu đặt trong nhà thì một ngày nên phơi nắng ít nhất 1 lần, không nên để quá 2 ngày phơi 1 lần. Thời gian tốt nhất để phơi sen đá là từ sáng đến 11h trưa. Tránh nắng gắt của buổi trưa từ 11h – 14h. Như vậy cây sẽ không bị héo úa và rụng lá.

PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH CHO SEN ĐÁ

Mặc dù sen đá là loại cây có sức sống mãnh liệt nhưng vẫn bị sâu hại như rệp sáp hay nấm. Biểu hiện của sâu bệnh là lá cây thối đen, có thể lan sang lá khác hoặc toàn thân. Sen đá dễ bị tình trạng này vào thời điểm giao mùa, khi mùa mưa bắt đầu kéo dài.

Cách khắc phục tình trạng trên là cần cắt bỏ phần hư hỏng. Và để hạn chế tối đa tình trạng này thì người chăm sóc phải chuẩn bị và phòng bệnh cho cây từ sớm.

Để phòng trừ rệp sáp thì cần lưu ý diệt trừ kiến, đây là thủ phạm tha rệp đến tấn công cây. Dùng thuốc tím diệt rệp sáp rải xung quanh gốc cây hoặc trộn cùng hỗn hợp đất trồng để ngăn ngừa tình trạng này.

Để đề phòng và ngăn ngừa nấm cần tránh môi trường ẩm ướt quá lâu, bạn cần cắt bỏ hết những phần thối phát sinh chỉ giữ lại phần khoẻ mạnh. Sau 3 ngày đem trồng lại, kết hợp các loại phân thuốc như thuốc tím, phân neem, dầu neem trộn lại vào đất hoặc xịt lên cây.

TÍNH ỨNG DỤNG ĐẶC BIỆT CỦA SEN ĐÁ

Ngoài việc sử dụng để trồng cây cảnh, sen đá còn được nhiều người sử dụng và phối hợp theo một cách rất đặc biệt như được kết trồng để làm tranh treo tường sống động và tươi mát, hoặc được trồng trong lọ mini trang trí bàn làm việc, kệ sách.

Sen đá có tác dụng hút được tia bức xạ từ các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại, bộ đàm...từ những tế bào thực vật trong lá cây.

Nhiều cô dâu chú rể sử dụng sen đá để kết thành bó hoa cưới không những tạo thêm sự đặc biệt và cá tính mà còn biểu hiện sức mạnh bất diệt trong tình yêu. Bó hoa được kết phối thêm với một số loại hoa như hoa hồng, hoa lan hay cẩm tú cầu...

Một chậu sen đá tự tay trồng cũng chính là món quà rất ý nghĩa dành cho người bạn quan tâm. Quà tặng tượng trưng cho tình yêu vĩnh cửu và sự may mắn đến người sở hữu.

Close
0936662211