Măng tây là loại rau củ được coi là Hoàng Đế Dinh Dưỡng được bán trên thị trường với giá khá đắt đỏ nhưng giá trị mà chúng mang lại là hoàn toàn xứng đáng.
Nếu trước kia, măng tây chỉ có thể nhập khẩu từ châu Âu thì ngày nay bạn đã có thể tham khảo cách trồng măng tây sau đây để trồng chúng ngay tại nhà.
GIÁ TRỊ DINH DƯỠNG MĂNG TÂY
Trước tiên, chúng ta hãy xem măng tây đem đến những lợi ích và công dụng chữa bệnh gì mà lại được mệnh danh là Hoàng Đế Dinh Dưỡng.
Măng tây có 3 loại: măng tây trắng, xanh và tím. So sánh 3 loại măng tây cho thấy măng tây trắng mềm hơn và có mùi vị nhẹ hơn măng xanh. Tuy nhiên măng xanh lại nhiều chất xơ hơn. Măng tím thì giống măng trắng về giá trị dinh dưỡng nhưng ngọt hơn cả 2 loại trên.
Trong măng tây có chứa nhiều chất như: chất xơ, protein, gluxit và các vitamin như: A, C, K, B1, B2, B6, axitphuric,… và đặc biệt là chất Innulincó tác dụng tốt cho hệ thống ruột. Đặc biệt nó có đến ¼ khối lượng chứa các chất khoáng cần thiết cho cơ thể như: canxi, kali, kẽm, magiê. Măng tây rất tốt cho bà mẹ mang thai và còn là chất rất hữu ích trong đời sống tình dục. Chi tiết măng tây có thể tốt ở những khía cạnh nào của cơ thể và chữa được những bệnh gì chúng ta cùng tìm hiểu nhé:
- Tốt cho tim mạch: Vì măng tây chứa nhiều kali nên giúp cơ thể điều hoà khí áp, lại chứa nhiều folate nên chúng giúp tim chúng ta khoẻ mạnh, thành phần nhiều chất xơ giúp cơ thể giải tán lượng cholesterol trong máu.
- Đối với đường ruột: Măng tây chứa nhiều Carbohydrate có tên gọi là Inulin, chất này rất quan trọng trong việc tạo điều kiện cho hệ thống ruột hoàn thành tốt chức năng của mình, Inulin giúp ích cho sự tăng trưởng vi khuẩn có lợi cho đường ruột. Măng tây rất hữu ích trong việc nhuận tràng.
- Tăng cường hệ miễn dịch: Măng tây nhiều chất xơ và protein trong khi đây là 2 chất có tác dụng tốt trong việc tăng cường miễn dịch của cơ thể.
- Tốt cho hệ hô hấp: Rễ măng tây được biết đến cho việc chữa ho, khản tiếng hay đau cổ họng.
- Chống viêm: Măng tây có tác dụng chống viêm cho cơ thể, bảo vệ cơ thể trước nguy cơ bệnh tim và tiểu đường. Bên cạnh đó măng tây còn chữa viêm bàng quang, ngăn ngừa sỏi thận, mật, có chứa hợp chất chống oxy hoá, trong đó măng tím sẽ chứa nhiều hơn 2 loại còn lại.
- Ngăn ngừa lão hoá: Măng tây có chứa chất chống oxy hoá là Glutathione, có tác dụng bảo vệ da rất tốt dưới ánh nắng mặt trời.
- Ngăn ngừa loãng xương: Măng tây là một nguồn dồi dào vitamin K, chất giúp cho quá trình đông máu diễn ra nhanh hơn và giúp tăng cường sức khoẻ của xương chúng ta.
- Tốt cho thai nhi: Chất Folate dồi dào trong măng tây chính là loại vitamin cần thiết cho việc hình thành ống thần kin thai nhi, chúng giúp ngăn ngừa dị tật ở thai nhi rất tốt. Đó là lí do các bà mẹ mang thai rất quan tâm đến loại thực phẩm này.
- Đẹp da: Măng tây chứa nhiều vitamin C và vitamin A, là 2 chất chống oxy hoá hàng đầu giúp bảo vệ da trước sự xâm nhập của những gốc tự do. Vitamin C còn giúp ích cho sự tổng hợp Collagen – chất có tác dụng nâng đỡ da và ngăn ngừa lão hoá.
- Ngăn ngừa ung thư: Glutathione chứa trong măng tây có tác dụng chống oxy hoá còn có khả năng đặc biệt trong việc phòng ngừa ung thư.
- Có lợi trong tình dục: Măng tây được xem như thần dược dành cho nam giới. Nó là một loại thuốc kích dục tự nhiên quý giá của thiên nhiên. Tuy vậy với những người mắc bệnh gout thì lưu ý, đây là loại thực phẩm có chứa purin cao nên có thể làm người bệnh bị đau khớp khi dùng nhiều.
Ngoài ra Măng tây còn thông tiểu, lợi tiểu, điều hoà kinh nguyệt, giảm đau bụng trong thời kỳ kinh nguyệt.
ĐẶC ĐIỂM CỦA MĂNG TÂY
Măng tây là loại cây dạng bụi, thân thảo, cây ưa khí hậu mát và đầy đủ ánh sáng tự nhiên. Đây là loại cây lâu năm tuổi thọ có thể lên đến 25 năm trong đó thời gian sống trung bình từ 1 đến 3 năm. Khi trưởng thành cây có thể thu liên tiếp nhiều vụ trong năm.
Măng tây là cây ưa ẩm, độ ẩm không khí trong khoảng 60 – 70%, độ ẩm đất cần 70 – 75%. Cây măng tây yêu cầu lượng mưa thấp dưới 1000mm/năm. Măng tây cũng không chịu được rét, nhiệt độ thích hợp để trồng là từ 25 – 30oC. Đặc biệt măng tây rất sợ úng, nếu để cây bị ngập úng trong 24 tiếng cây sẽ chết, trong 8 tiếng thì chồi măng sẽ bị biến dạng, cong vẹo, thối rễ và không cho thu hoạch.
CÁCH TRỒNG MĂNG TÂY ĐƠN GIẢN TẠI NHÀ
1. Chuẩn bị trước khi trồng măng tây
Đất trồng
- Măng tây là loại cây khá kén đất, cây cần đất phì nhiêu, giàu mùn và phù sa. Đất để ươm hạt và trồng măng tây đòi hỏi đất sạch, tơi xốp và nhiều dinh dưỡng, tránh các loại đất được lấy từ bùn thải hay nguồn đất nhiễm bệnh dễ chết cây.
-
Nếu sử dụng đất thịt sạch thì chọn đất tơi xốp, có thể bổ sung đá Perlite làm tăng độ thoáng khí cho đất, giúp rễ cây nhanh phát triển.
-
Bên cạnh đó cũng có thể trồng măng tây hoàn toàn bằng giá thể mà không cần đất thịt. Giá thể bao gồm mụn dừa, tro trấu, đá perlite, đá pumice, peatmoss, phân trùn quế.
Thùng xốp/chậu
Cách trồng măng tây tại nhà tốt nhất là trồng chúng trong thùng xốp/ chậu vì một số lý do sau:
-
Chủ động chuẩn bị được giá thể sạch, không lẫn tạp chất, không ô nhiễm, không lẫn cỏ dại.
-
Kiểm soát được môi trường giá thể phù hợp nhất với măng tây về độ thoáng khí, chất dinh dưỡng cũng như chủ động tránh ngập úng.
-
Kiểm soát được mức độ ánh sáng phù hợp cho cây.
Bạn nên chọn thùng xốp càng rộng càng tốt để trồng mỗi thùng 1 cây măng tây, tối thiểu dài và rộng là 50cm. Lưu ý cần có lỗ thoát nước dưới đáy thùng để cây không bị ngập úng.
Hạt giống hoặc cây con:
Có 2 cách trồng măng tây thông dụng là từ hạt giống hoặc cây con. Cách chuẩn bị từng loại như sau:
-
Nếu trồng từ hạt giống thì bạn cần tìm hiểu và mua hạt giống tốt tại của hàng hạt giống, cách chăm sóc sẽ cần nhiều công sức và thời gian hơn.
-
Nếu bạn là người mới trồng măng tây thì nên mua cây con có nguồn gốc tốt về trồng sẽ tiết kiệm thời gian và công sức hơn.
2. Cách trồng măng tây từ hạt
Hạt giống măng tây có kích thước lớn và vỏ dày, vì vậy bạn cần phải ủ hạt trước khi ươm để tăng khả năng nảy mầm của hạt.
Cách ủ hạt măng tây
-
Bước 1: Ban đem phơi hạt giống dưới nắng chiều khoảng 2-3h cho hạt khô để tăng cường khả năng hút nước khi ngâm sau đó xả lại bằng nước sạch.
-
Bước 2: Dùng tay chà xát hạt để rửa sạch bụi bẩn và loại bỏ đi hạt hư lép rồi tiếp tục ngâm trong nước ấm khoảng 40 - 45oC với khoảng thời gian từ 15 – 20 giờ, cách 4 tiếng thay nước 1 lần rồi xả lại bằng nước sạch.
-
Bước 3: Bạn đem ủ hạt giống vào khăn tối màu ở nhiệt độ 30 - 40oC trong 1 tuần, đặt tại nơi kín gió và ánh sáng.
-
Bước 4: Ủ trong vòng 9 – 12 ngày, trong thời gian đó cứ khoảng 12 tiếng bạn tưới nước ấm 1 lần cho đến khi hạt nứt nanh thì bạn lấy hạt ra để ráo rồi đem ươm vào bầu đất.
Cách ươm hạt măng tây
Thời gian ươm hạt măng tây có thể mất từ 2 đến 3 tháng và đây là bước khá quan trọng trước khi trồng. Do đó khi ươm bạn nên cho vào bầu đất, tránh ươm trực tiếp trên đất ruộng vì rất dễ bị sâu bệnh, nấm hoặc côn trùng tấn công hạt. Bạn có thể dùng túi nilon tối màu có khả năng tự phân huỷ được bán tại các vườn ươm để sử dụng lúc này.
-
Bước 1: Cho đất vào bầu đã chuẩn bị, tưới phun ít nước nhằm tạo ẩm cho đất.
-
Bước 2: Bạn ấn bầu đất tạo lỗ sâu tầm 1 – 2 cm.
-
Bước 3: Đặt từng hạt đã nứt nanh xuống lỗ rồi lấp nhẹ bằng 1 lớp đất tơi xốp
-
Bước 4: Tưới phun nhẹ nước lên toàn bộ bầu ươm.
Lưu ý rằng các bầu ươm này cần được đục lỗ ở dưới đáy nhằm giúp khả năng thoát nước thông thoáng. Sau khi ươm bạn đặt bầu tại nơi có đủ ánh sáng để kích thích việc nảy mẩm.
3. Cách trồng măng tây vào thùng xốp
-
Bước 1: Bạn cho đất đã chuẩn bị vào thùng xốp, tạo 1 lỗ nhỏ giữa thùng.
-
Bước 2: Nhấc nhẹ bầu ươm, cẩn thận rạch túi nilon và vùi kín xuống đất.
-
Bước 3: Phủ lên trên bề mặt một lớp đất. Lưu ý trồng cây thẳng đứng và nên trồng vào buổi chiều mát đã tắt hẳn nắng.
4. Chăm sóc măng tây trong thời gian ươm
Thời gian ươm kéo dài từ 3 – 3,5 tháng nên việc chăm sóc bầu lúc này rất quan trọng, nó sẽ quyết định tỉ lệ thành công của việc trồng măng tây của bạn. Một số chú ý trong quá trình chăm sóc bạn cần biết như sau:
-
Mỗi ngày bạn tưới nước cho bầu ươm 2 lần, chỉ nên tưới phun ẩm bằng vòi phun sương.
-
Từ thời điểm gieo đến khoảng 3 – 3,5 tháng thì cây mọc cao khoảng 25 – 30cm, thân cây có 1 – 2 nhánh, lúc này bạn sẽ chọn những bầu có cây khoẻ, mập mạp và không sâu bệnh để đem trồng trực tiếp vào đất.
5. Chăm sóc cây măng tây khi nhú mầm
Cách trồng măng tây tại nhà cũng đòi hỏi quá trình theo dõi, chăm sóc chu đáo để có thể thu được những cây măng chất lượng tốt, giảm thiểu sâu bệnh cũng như không bị chết cây.
Tưới nước
-
Mùa nắng bạn có thể tưới từ 2 – 3 lần để cung cấp đủ lượng nước cần thiết và nhớ là tránh tưới vào lúc nắng gắt.
-
Mùa mưa bạn cần chú ý việc thoát nước tốt, không để cây bị ngập úng nếu không cây sẽ bị thối rễ và chồi măng sẽ bị biến dạng cong vẹo, gốc rễ măng và chồi măng dễ phát bệnh, khiến năng suất và chất lượng giảm đáng kể.Không nên tưới sau 17h chiều vì chồi măng phát triển chủ yếu vào ban đêm.
BÓN PHÂN VÀ CHĂM SÓC MĂNG TÂY
Trong quá trình trồng măng tây, bạn cần sử dụng các loại phân hữu cơ như phân trùn quế, phân bò ủ hoại, phân neem để bón cho cây. Chúng có tác dụng giúp tăng khả năng phát triển của măng non, đồng thời cung cấp cho giá thể một lượng chất hữu cơ, chất mùn cần thiết. Chúng còn hạn chế các loại nấm bệnh dễ xảy ra vào mùa mưa. Nên bón lót trước khi trồng và định kỳ bón phân 90 ngày/lần.
Trong quá trình chăm sóc bạn cần tỉa bỏ bớt cây, cành già, cây nhỏ còi cọc để tạo độ thoáng gốc cây, hạn chế sâu bệnh và tập trung dinh dưỡng cho các mầm măng con.
Như vậy sau khoảng 9 tháng từ ngày ươm, cây có thể cho những búp măng đầu tiên. Khi thấy búp măng chồi lên cao khỏi mặt đất khoảng 20 – 30cm thì bạn có thể thu hoạch để sử dụng.
Bạn cần luôn giữ cây sinh trưởng thẳng đứng để lấy ánh nắng toàn phần, tạo điều kiện tốt cho lá cây quang hợp.
TẠI SAO NÊN DÙNG GIÁ THỂ ĐỂ TRỒNG MĂNG TÂY
Trong quá trình nghiên cứu môi trường phát triển của măng tây tại Việt Nam, các chuyên gia cho biết rằng việc sử dụng giá thể tăng khả năng sinh trưởng cũng như tạo môi trường cho măng tây phát triển nhanh hơn, an toàn hơn và ngày càng được sử dụng rộng rãi bởi vì một số lý do sau:
-
Đá Perlite trong thành phần giá thể có đặc tính xốp nhẹ, thoát nước tốt mà không độc hại vì chúng được làm hoàn toàn từ thiên nhiên. Sự thông thoáng của giá thể giúp rễ cây phát triển trong điều kiện tối ưu, đồng thời khắc phục tình trạng ngập úng vào mùa mưa. Độ pH trung tính của đá Perlite đảm bảo giá thể phù hợp với yêu cầu của măng tây.
-
Giá thể chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho măng tây, bao gồm: đạm, lân, kali, canxi,... đồng thời hoàn toàn không chứa những nguồn sâu bệnh gây hại.
Thành phần giá thể trồng măng tây bao gồm: đá Perlite, đá Pumice, Peatmoss trong đó bạn có thể bổ sung thêm Vermiculite vào hỗn hợp với nhiệm vụ kích thích nảy mầm, bao bọc hạt giống và hấp thu độ ẩm dư thừa. Tuy nhiên, vì Vermiculite có tính giữ ẩm cao nên cần dùng với tỉ lệ thấp và kiểm soát chặt chẽ trong quá trình sử dụng để mang lại hiệu quả tối ưu.
Hiện nay giá thể rất phổ biến trên thị trường, dễ tìm có khả năng tái sử dụng sau khi trồng bằng cách cải tạo và bổ sung phân bón. Giá thể đảm bảo quá trình sinh trưởng của măng tây phát triển thuận lợi, tiết kiệm chi phí và công chăm sóc.
CÁCH TRỒNG MĂNG TÂY QUY MÔ LỚN
Đối với cách trồng măng tây quy mô lớn, việc ngăn ngừa lượng nước mưa dư thừa đồng thời duy trì độ ẩm để măng tây phát triển thuận lợi là vấn đề rất quan trọng. Ban có thể đầu tư nhà màng để hạn chế các rủi ro có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, khâu tưới tiêu rất quan trọng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất măng tây cũng như có bị sâu bệnh hay không.
Nguồn nước cần:
-
Nước sạch được định kỳ kiểm tra 1 lần/năm.
-
Đảm bảo dư lượng kim loại nặng cũng như hàm lượng vi sinh vật.
Có một số cách tưới nước với quy mô lớn như tưới quay phun sương, tưới ngầm hoặc nhỏ giọt... trong đó cách tưới thấm qua rãnh là cách thức ít tốn kém nhất.
-
Tưới phun sương có thể phát sinh cỏ dại nên cần một số biện pháp như chụp nón bảo vệ các lá đài phía trên đầu các chồi măng tây.
-
Tưới rãnh thì hạn chế cỏ dại hơn, nhưng sau khi tưới nếu gặp trời mưa to sẽ dễ gây ra ngập úng và hư rễ cũng như các chồi non. Xử lý bằng cách đào mương thoát nước hoặc sử dụng máy bơm nước công suất lớn để rút nước nhanh nhất có thể.
-
Tưới nhỏ giọt: Bạn sử dụng ổng nhỏ giọt tưới trên bề mặt đất. Phương pháp này nên kết hợp với màng phủ nông nghiệp, chúng sẽ giúp cho măng tây luôn đủ độ ẩm cần thiết mà tốn ít nước cũng như công chăm sóc hơn.
Đối với cách trồng măng tây với quy mô lớn, một loại cây trồng có giá trị cao thì việc sử dụng đá Perlite là không thể thiếu để tiết kiệm chi phí cũng như hạn chế thấp nhất rủi ro ngập úng đất dẫn đến hư rễ và chồi măng. Đối với số lượng lớn sẽ có mức giá rẻ và tiết kiệm chi phí cho vụ mùa của bạn. Chúc các bạn thành công trong việc chăm sóc cũng như gặt hái được sản lượng măng tây tốt nhất.