ĐẶC ĐIỂM HOA HỒNG
Trong ngày lễ tình nhân hay những dịp kỷ niệm tình yêu, bó hoa hồng là một món quà không thể thiếu cũng là loại hoa được nhiều người biết đến nhất trên thế giới. Vẻ đẹp và mùi thơm dịu nhẹ này chinh phục trái tim của những thế hệ khác nhau từ già trẻ cho đến gái trai.
Cách trồng hoa hồng tại nhà ngày nay rất phổ biến, đặc biệt là hoa hồng nhập ngoại với nhiều giống rất đẹp đến từ Anh, Nhật, Pháp, Trung Quốc, Thái lan... được các tín đồ cây cảnh lựa chọn và vun trồng thành những vườn hồng lộng lẫy vô cùng ấn tượng.
Hoa hồng là loại cây lâu năm có khoảng 350 loài trên khắp thế giới trong đó riêng tại Việt Nam thì khoảng 50 chủng loại giống đa dạng về màu sắc. Hoa hồng ra hoa quanh năm có mùi thơm dịu nhẹ, cánh hoa mềm nên dễ bị dập nát. Mỗi cây hoa có thể có một màu hoặc hai màu trở lên trên cùng một bông hoa.
CHUẨN BỊ TRƯỚC KHI TRỒNG HOA HỒNG
Để trồng được một khóm hồng hay chậu hồng có thể cho ra hoa đẹp với màu sắc rực rỡ và phát triển xanh tốt thì bạn nên tìm hiểu kỹ những đặc điểm của cây cũng như chuẩn bị đầy đủ vật dụng cần thiết.
1. Chọn giống hoa hồng
Việc lựa chọn một giống hoa hồng nhập ngoại đang rất phổ biến hiện nay mặc dù chúng được nhân giống bằng nhiều cách như ghép, giâm và chiết cành. Tuy nhiên bạn yên tâm rằng chúng vẫn giữ được đặc tính di truyền của cây gốc. Do đó, bạn có thể lựa chọn những giống hoa hồng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng tốt để trồng tuỳ vào sở thích cá nhân của mình.
Một số giống phổ biến bạn có thể tham khảo như Hoa Hồng Red Eden nguồn gốc từ pháp có màu đỏ sáng, cánh hoa tròn cúp vào trong, cây mọc quanh năm và ít rụng lá. Hoa Hồng Cổ Sơn La có hương thơm nhẹ nhàng. Hoa Hồng Cổ Sapa thuốc giống cánh kép, màu hồng sen mang hương thơm vị trà cổ đặc sắc...
2. Vị trí trồng cây hoa hồng tại nhà
Hoa hồng là cây ưa sáng, thích hợp được chiếu sáng từ 6 – 8 tiếng/ngày. Trong điều kiện đó cây sẽ sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh và ra hoa đều màu. Nếu cây được trồng tại nơi thiếu ánh sáng sẽ không ra hoa hoặc rất kém ra hoa, hay mắc bệnh, thân cây còi cọc và lá vàng nhiều. Vì vậy bạn nên quan sát kỹ hướng ánh sáng để lựa chọn nơi trồng cây hoa hồng phù hợp nhất. Nơi mà ánh nắng chiếu buổi sáng hoặc buổi chiều mà không chiếu cả ngày, cũng không nên đặt nơi ánh nắng không chiếu tới. Bạn không nên trồng hoa hồng gần nhau vì chúng sẽ che mất ánh sáng của nhau.
3. Chọn chậu trồng cây hoa hồng
Bộ rễ cây hồng rất cần một môi trường thoát nước tốt, thoáng khí và không bị ngập úng vì vậy bạn cần chuẩn bị chậu phù hợp với độ tuổi và kích thước của cây. Chậu có thể cao cỡ 30cm với đường kính 40cm, có lỗ thoát nước ở đáy. Chậu cần có chân hoặc kê cao hơn một chút so với mặt đất để đáy chậu không bị áp sát xuống mặt đất gây trở ngại cho việc thoát nước.
4. Đất trồng hoa hồng
Đất trồng hoa hồng được trộn với thành phần như sau: 30% phân rơm mục, 30% đá Perlite, 30% xơ dừa, 10% phân hữu cơ (hoặc phân bò hoai mục). Với các cách trộn đất thì trước khi trồng bạn nên phơi ải đất ngoài nắng từ 1 tuần đến 10 ngày để diệt trừ mầm bệnh.
Trước đây nhiều người sử dụng trấu trong hỗn hợp đất trồng, tuy nhiên nhược điểm của nó là dễ phát sinh cỏ lúa sau vài tháng và giảm khả năng thoát nước cũng như độ thông thoáng của đất. Ngày nay trấu được thay thế bằng đá Perlite vừa giữ được ưu điểm vừa khắc phục được nhược điểm của nó mà lại tiết kiệm chi phí cũng như công chăm sóc. Hoa hồng còn có thể được trồng hoàn toàn bằng giá thể không cần đất bao gồm: đá Perlite, đá Pumice, Peatmoss, Vermiculite.
CÁCH TRỒNG HOA HỒNG BẰNG GIÁ THỂ
Hoa hồng là loại cây ưa ẩm, nếu đất thiếu ẩm sẽ khiến khô cây, dẫn đến hiện tượng không đâm chồi và nếu ra hoa sẽ rất chóng tàn. Bộ rễ cần một môi trường tơi xốp, thông thoáng và thoát nước tốt. Đó là những lý do ngày nay việc trồng hoa hồng hoàn toàn bằng giá thể rất phổ biến và đem lại thành công. Giá thể đầy đủ thành phần chất dinh dưỡng bao gồm: mụn dừa đã qua xử lý, đá Perlite, đá Pumice, Peatmoss, Vermiculite và phân trùn quế:
-
Mụn dừa đã qua xử lý không còn chứa các chất có hại cho cây như chất chát, giúp tăng độ tơi xốp cho đất, làm phân hữu cơ vi sinh an toàn không độc hại.
-
Đá Perlite giúp giá thể có độ thoát nước tốt để tạo môi trường giá thể thông thoáng.
-
Đá Pumice lót đáy chậu để tránh ngập úng đồng thời trong thành phần giá thể chúng có nhiệm vụ cung cấp vitamin và khoáng chất cho cây.
-
Peatmoss có đặc tính vô trùng, hoàn toàn không chứa bất kỳ loại vi khuẩn, nấm hay cỏ dại nào, chúng có nhiệm vụ giữ lại tối đa các chất dinh dưỡng được cung cấp cho cây.
-
Vermiculite có tác dụng rất tốt trong việc giữ độ ẩm cần thiết cho hoa hồng. Nếu đá Perlite có tác dụng thoát nước tạo sự thông thoáng thì Vermiculite lại tăng khả năng giữ nước để duy trì độ ẩm, do đó việc sử dụng Vermiculite cần được trộn theo tỉ lệ vừa phải, không được lạm dụng và cần được sử dụng có kiểm soát.
-
Phân trùn quế có chứa hơn 50% chất mùn cung cấp chất khoáng cần thiết cho cây. Các chất dinh dưỡng trong phân trùn quế ở dạng mà cây hấp thu được ngay mà không cần thời gian phân huỷ.
Những người sành chơi hoa hồng hiện nay hầu hết đã chuyển sang sử dụng giá thể hoàn toàn bởi những hiệu quả vượt trội của nó trong việc trồng hoa hồng. Giá thể xốp nhẹ khiến việc vận chuyển hay mang vác lên sân thượng trở nên dễ dàng thuận tiện hơn cho họ, cũng như việc đưa chậu hoa hồng từ ngoài sân vào nhà trang trí ở những nơi ưng ý. Đồng thời có thể tạo cho quá trình sinh trưởng thuận lợi hơn cũng như kiểm soát được các bệnh gây hại cho cây.
CÁCH TRỒNG HOA HỒNG TẠI NHÀ
Có một số cách trồng hoa hồng là từ hạt, giâm cành hoặc từ cây giống được ươm, trong đó việc trồng từ cây ươm sẵn sẽ dễ trồng hơn cho người mới bắt đầu. Việc trồng từ hạt sẽ cần bạn hiểu về cây nhiều hơn, chăm chút kỹ hơn và giành nhiều thời gian hơn.
(1) Cách trồng hoa hồng từ cây con
Sau khi lựa chọn được cây con có nguồn gốc khoẻ mạnh phù hợp với sở thích, bạn thực hiện trồng qua các bước sau:
-
Bước 1: Bạn cho một ít đá Pumice lót phía đáy chậu để cây không bị úng khi tưới nước quá nhiều hoặc vào mùa mưa, sau đó cho giá thể đã chuẩn bị vào 2/3 chậu.
-
Bước 2: Khoét 1 lỗ ngay giữa chậu và đặt cây con vào, phủ thêm 1 lớp đất cao 8/10 chậu.
-
Bước 3: Tay trái giữ thân cây thẳng đứng, tay phải ấn nhẹ xuống gốc cây. Lưu ý bạn không nên ấn quá chặt vì có thể làm đứt rễ non. Sau đó tưới đẫm nước.
-
Bước 4: Bạn cắm thêm 1 cọc chắc chắn giữa chậu và dùng dây buộc thân cây vào cọc, mục đích tránh làm cây bị động khi gặp gió, ảnh hưởng sự phát triển rễ cây con.
Sau khi trồng, bạn đặt tại nơi có ít ánh nắng để cây không bị héo khi chưa đủ khoẻ mạnh sau đó đưa ra nắng dần dần. Sau khoảng 1 tuần bạn có thể bỏ cọc ra để cây tự phát triển.
(2) Cách trồng hoa hồng tại nhà bằng cách giâm cành
Giâm cành là cách nhân giống rất thông dụng của cây hoa hồng để nhân bản số lượng chúng trong vườn của bạn. Việc giâm cành có khả năng thất bại nếu bạn không có kinh nghiệm hoặc không nắm được đặc tính của cây. Các bước giâm cành sẽ được thực hiện như sau:
-
Bước 1: Sau khi lựa được cây hoa hồng ưng ý, bạn chọn 1 cành bánh tẻ khoẻ, không già và không non, cắt khoảng 15 – 20cm. Vết cắt cần sắc gọn và không để dập cành. Nếu cành bị dập thì bạn nên dùng dao gọt phần dập đi.
-
Bước 2: Chấm đầu cành vào dung dịch thuốc kích thích mọc rễ có bán tại tiệm cây cảnh để nâng cao khả năng sống của cây.
-
Bước 3: Chuẩn bị 1 que để cắm xuống đất sâu khoảng 2cm ngay giữa chậu, sau đó cắm cành hồng đã châm thuốc kích thích xuống, cố định cây.
Hàng ngày bạn tưới nước sạch bằng vòi phun nhẹ vào cành hồng được giâm. Khoảng 12 – 15 ngày sau sẽ thấy chồi non phát triển. Đến khoảng 30 ngày cành hồng sẽ mọc ra rễ, và 2 tháng sau sẽ thành cây hồng con xanh tốt.
CÁCH CHĂM SÓC CÂY HOA HỒNG
1. Tưới nước cho cây hoa hồng
Hoa hồng là loài cây ưa nước, bạn có thể trồng bờ ao hoặc bờ kè nếu có và bổ sung nước đều đặn cho cây. Nếu bạn trồng trong vườn thì tưới nước 2 ngày 1 lần, còn nếu trồng trong chậu thì 1 ngày 1 lần. Thời điểm tưới nước là sáng sớm và chiều mát đã hết nắng.
Trong những ngày hè oi nóng thì bạn nên tưới thêm vào tối mát. Đặc biệt lưu ý không tưới cây vào lúc trời nắng gắt sẽ làm cây bị sốc nhiệt và héo. Nếu bạn tưới ban đêm thì chỉ tưới vào đất, tránh tưới lên lá hay hoa vì phần nước đọng lại qua đêm rất dễ phát sinh sâu bệnh.
Với cây con bé mới trồng, bạn chỉ tưới đẫm lần đầu rồi sau đó ngưng và chờ khoảng 1 - 2 tuần, đến khi thấy đất thật khô mới tưới tiếp. Nếu để đất quá ẩm lâu ngày cây sẽ dễ bị úng và không ra rễ.
2. Cách tỉa cành hoa hồng
Khi cây phát triển tốt có nhiều cành và nhánh chen nhau là lúc bạn cần cắt tỉa bớt. Bạn cũng có thể tạo dáng hoặc thế cho cây hoa hồng khi trồng tại nhà cũng như để kích thích cây ra mầm ngọn mới. Những cành được cắt tỉa sẽ giảm bớt dinh dưỡng đòi hỏi và để cây tập trung dưỡng chất ra hoa.
Bạn cũng cần thường xuyên cắt bỏ lá hoa hư, kể cả những bông hoa đã nở rồi cũng nên cắt đi để cây hoa hồng có đủ dinh dưỡng đâm chồi mới, từ đầu mỗi nhánh sẽ cho ra một nụ hoa mới. Quan sát tỉa bớt những cành đã già.
3. Phân bón cho cây hoa hồng
Chế độ dinh dưỡng trong cách trồng hoa hồng tại nhà rất quan trọng để cây có thể ra hoa quanh năm. Để biết cây có đủ dinh dưỡng hay không bạn cần quan sát những cành mới nhú ra. Nếu thân có màu đỏ tía và mập mạp tức là cây đủ dưỡng chất. Nếu thân gầy và cao với màu đỏ nhạt tức là cây bạn trồng đang thiếu dưỡng chất và lúc này cần bổ sung thêm phân bón.
Một số nguyên tắc bón phân giành cho cây hoa hồng như sau:
-
Cây sau khi trồng từ 3 – 5 ngày thì phun phân bón lá để giúp cây phát triển rễ và hoa mọc ra có màu rực rỡ. Bạn lưu ý không tưới phân lên hoa sẽ làm hoa mau tàn.
-
Giai đoạn 10 – 15 ngày khi cây ra rễ và sinh lá non bạn cần bón bổ sung phân hạt xung quanh gốc sau đó lấp đất lại, bạn cần định lượng bằng cách sử dụng muỗng cà phê. Sau đó bạn tưới lại nước sẽ giúp cây hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.
-
Bạn nên kết hợp phân bón lá và bón gốc xen kẽ nhau mỗi tháng 1 lần.
-
Hàng tuần bạn bón phân hữu cơ chậm tan cho cây hoa hồng.
-
Bạn cũng có thể bón thuốc kích rễ bổ sung cho cây nếu cần thiết.
-
Nếu như ngâm phân với nước để tưới thì bạn sử dụng 1 muỗng cà phê/4 lít nước, tưới vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, có thể tưới lên lá, thân hay gốc cây.
Phân neem là loại phân bón hoàn toàn hữu cơ, an toàn cho sức khoẻ và cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho cây hoa hồng. Chúng kích thích bộ rễ phát triển, đồng thời bảo vệ cây khỏi sự gây hại của tuyến trùng hay các loại sâu bọ. Trung bình bạn cần bón 50 – 100g phân neem cho cây nhỏ và từ 100 – 200g cho cây lớn. Phân neem được sử dụng rất phổ biến và hữu dụng trong cách trồng hoa hồng tại nhà.
4. Sâu bệnh thường gặp ở cây hoa hồng
Có 2 nguyên nhân chủ yếu khiến cây bị sâu bệnh đó là thiếu nắng và quá thừa nước. Nếu cây quá khô thì dễ xuất hiện nhện đỏ hút chích làm cây suy yếu dần. Ngoài ra có một số loại sâu bệnh hại cây như sau:
-
Sâu bệnh chủ yếu của cây hoa hồng là nấm cây. Chúng phát triển khá nhanh và hút chất dinh dưỡng của cây khiến cây bị suy kiệt và chết nhanh nếu không ngăn ngừa kịp thời.
-
Ngoài ra còn có một số loại côn trùng có thể gây hại như ốc sên, sâu ăn lá, nhện... bạn cần quan sát cây thường xuyên để phát hiện và tiêu diệt kịp thời.
-
Nếu như cây hoa hồng bạn trồng có hiện tượng lá bị nhợt màu, vàng lá, quăn queo rồi rụng đi thì bạn cần tưới bổ sung nước và bón thêm phân bón lá bổ sung Vitamin cho cây.
-
Trường hợp xuất hiện các chấm trắng gần ngọn hay dưới mặt lá thì cây hoa hồng đang bị rệp sáp. Bạn có thể dùng tay ngắt bỏ lá đó đi hoặc tiêu diệt các đốm trắng và cách ly những cây bị bệnh. Phân neem được trộn từ bã neem và phân bò vừa trị được rệp sáp vừa cung cấp chất dinh dưỡng cho cây.
-
Có một cách thủ công để diệt trừ rệp đó là bạn dùng 1 miếng bông thấm nước, ốp vào thân cây có rệp để lau, rệp sẽ dính chặt vào bông ẩm đó ra khỏi cây. Làm như vậy từ 4 – 5 ngày thì sẽ sạch rệp.
-
Một số bệnh khác có thể xuất hiện ở cây hoa hồng như bệnh đốm đen, bệnh phấn trắng, bệnh gỉ sắt...
5. Thay đất cho cây hoa hồng
Sau khoảng 3 – 5 tháng trồng hoa hồng tại nhà thì đa phần các cây hoa hồng của bạn sẽ xuất hiện tình trạng lá màu vàng nhạt, lá héo úa và rụng dần. Đồng thời cây cũng ít mọc chồi non hơn trước. Đây là những dấu hiệu đất trồng đã hết dinh dưỡng và bạn cần phải thay giá thể mới cho cây.
Khi tiến hành thay đất, bạn cần thay vào chậu to hơn vì cây đã lớn hơn để tạo đủ không gian phát triển cho cây. Khi thay bạn cũng nên kết hợp tỉa bớt cành, loại bỏ lá vàng úa. Sau khi thay đất và chậu, bạn bổ sung phân neem để cung cấp dinh dưỡng cho giá thể trồng cây.
6. Cách cắt bông hoa hồng
Trong cách trồng hoa hồng tại nhà thì công đoạn này cần khéo léo để tránh tác động xấu đến cây, các lưu ý cắt cành cần một số lưu ý như sau:
-
Bạn nên cắt cành hồng vào buổi sáng sớm, lúc này cây nhiều nhựa và nhiều nước nên hoa sẽ tươi lâu hơn.
-
Trước khi cắt 1 ngày bạn nên tưới nhiều nước hơn bình thường một chút để cây tích trữ đủ lượng nước trong cành hoa.
-
Cần cắt chéo để tăng diện tích tiếp xúc thân cành hoa với nước sạch nếu cắm trong bình.
-
Cành còn lại trên cây sau khi cắt bạn nên cắt thêm 1 lần nữa bằng dao sắc hoặc kéo để tránh bị dập cành.
-
Khi cắt nên chú ý chừa lại 3 lá phía dưới cành để sau này phần còn lại của cành sẽ mọc lên 3 chồi mới để ít nhất cành hồng mới sẽ cho từ 1 đến 3 hoa ở lứa sau.
Với cách trồng hoa hồng như trên, bạn sẽ thu được một vườn hồng phát triển khoẻ mạnh với màu sắc rực rỡ. Bỏ một chút công sức để nhìn ngắm những bông hoa hồng nở rộ thơm ngát thật đáng công sức phải không nào. Chúc các bạn thành công khi chinh phục loài hoa Nữ Hoàng Tình Yêu này.