Kiến thức chăm sóc cây cần biết

Cách trồng hành lá

Hành lá (hay còn gọi là hành hoa) là loại rau thơm được sử dụng hầu như hàng ngày để chế biến các món ăn cho gia đình người Việt và được coi là một thành phần không thể thiếu để làm món ăn thêm thơm ngon và hấp dẫn.

HÀNH LÁ CHỮA HO - SÁT TRÙNG
Hành lá có thể coi là cây dược liệu

Hành lá được xem là một vị thuốc nam tốt cho sức khỏe, có tác dụng chữa các bệnh thông thường như ho, ho có đờm, giúp lợi tiểu hoặc sát trùng,... Việc trồng hành lá tại nhà vô cùng đơn giản và an toàn cho sức khoẻ. Nếu chưa biết, bạn hãy tham khảo cách trồng hành lá trong bài viết dưới đây. 

ĐẶC ĐIỂM HÀNH LÁ

Hành lá có thể trồng quanh năm. Bất cứ lúc nào bạn cũng có thể trồng để phục vụ bữa ăn trong gia đình. Hành lá là loại cây thích hợp với đất nhiều mùn. Bạn có thể trồng chúng ở nơi đất tơi xốp hoặc sử dụng các loại giá thể có chứa mụn dừa, xơ dừa, tro trấu,...nếu không có đất vườn. Ngoài ra, hành lá cũng có thể nuôi trồng theo phương pháp thủy canh nếu số lượng lớn.

Trồng hành lá bằng đất   

Dù trồng theo phương pháp nào, bạn cũng nên lưu ý không để hành lá dưới nắng trực tiếp mà cần để nơi có ánh sáng tự nhiên vừa đủ như bệ cửa sổ hay ban công,...Đất trồng cần duy trì độ ẩm và khả năng thoát nước tốt. Quá nhiều nước trong đất sẽ gây bí và thối rễ. .

Hành lá gốc trắng (hành hương) là loại được sử dụng nhiều và phổ biến nhất tại Việt Nam. Bạn có thể bắt gặp chúng ở bất cứ đâu: trong nhà, siêu thị, ngoài chợ hay những gánh hàng rong lề đường. Bên cạnh loại hành lá gốc trắng còn có hành gốc tím, tên gọi khác là hành sậy. Loại này năng suất cao, ít sâu bệnh, phát triển khỏe hơn nhưng ít thơm nên ít được sử dụng mà thay vào đó là hành củ tím khô.

CÁCH TRỒNG HÀNH LÁ TẠI NHÀ

Có rất nhiều cách trồng hành lá tại nhà như trồng hành lá trong đất, trong chai nhựa, trong chậu, thủy canh, thậm chí là trên cây chuối,... Trong đó cách đơn giản và thông dụng nhất khi trồng tại nhà là trồng hành trong chai nhựa. Cách này vừa giúp bạn tiết kiệm thời gian và tiền bạc vừa giúp giảm thiểu lượng chai nhựa thải ra môi trường.

1. Hướng dẫn cách trồng hành lá trong chai nhựa

Dụng cụ bao gồm:

  • Chai nhựa (2 lít hoặc 5 lít)
  • Kéo hoặc dao nhọn
  • Đất trồng tơi xốp hoăc giá thể
  • Củ hành hoặc thân dưới hành lá
  • Khay nhựa
  • Bình tưới nước phun sương

Để trồng hành lá trong khay nhựa, bạn nên chọn đất tơi xốp, thoáng khí để đảm bảo khả năng thoát nước tốt, không gây úng rễ. Nếu không có đất thịt, bạn có thể sử dụng giá thể bao gồm: mụn dừa hoặc xơ dừa, peatmoss, perlite, pumice. phân trùn quế,…để trồng. Giá thể này rất nhẹ, tiện lợi và có thể tái sử dụng.

Các bước tiến hành trồng hành lá trong chai nhựa:

  • Bước 1: Bạn làm sạch chai nhựa sau đó cắt đầu chai, dùng kéo hoặc dao nhọn đục những lỗ nhỏ quanh chai. Khi đục lỗ bạn cần lưu ý đường kính bé hơn kích thước củ hành tím định trồng, tránh rơi hạt/cây giống. Bên cạnh đó, bạn cũng cần đục những lỗ nhỏ ở dưới đáy để thoát nước, hạn chế hành bị thối rễ vì sẽ tạo ra mùi hôi khó chịu và làm hỏng cả bình trồng hành lá.

  • Bước 2: Bạn lần lượt cho một lớp đất rồi một lớp hành hành từ dưới đáy lên đến miệng chai. Sắp xếp sao cho củ hành hướng rễ vào phía trong và đầu mọc lá ra phía ngoài lỗ đã đục và củ hành nhú ra khỏi lỗ chai một nửa là được.

  • Bước 3: Bạn đặt khay nhựa phía dưới các chai trồng hành lá để hứng nước tưới và tránh đất không rớt xuống nhà.

Cách chăm sóc hành lá trồng tại nhà trong chai nhựa như sau:

  • Tưới phun sương đều vào các lỗ hổng cho ẩm đất
Tưới nước đều đặn cho cây
  • Đặt tại nơi có nhiều ánh sáng tự nhiên

  • Thu dọn cỏ ngay khi phát hiện

Qua một thời gian thu hoạch thì những củ hành có thể giảm chất lượng nhưng ít nhất chúng sẽ sử dụng tốt trong vài tháng. Sau khi lứa đầu trồng được 1 tháng thì bạn có thể bắt đầu trồng hành lá tiếp lứa thứ hai.

2. Hướng dẫn cách trồng hành lá trong chậu đất hay thùng xốp

Những vật dụng cần chuẩn bị:

  • Đất nhiều mùn thoát nước tốt trộn với đá Perlite hoặc giá thể
  • Chậu/thùng xốp có lỗ thoát nước ở đáy
  • Gốc hành lá già để trồng sẽ tốt hơn
  • Bình tưới nước phun sương

 

Các bước tiến hành trồng:

  • Bạn trồng gốc hành lá thành nhiều hàng, mỗi hàng cách nhau khoảng 20cm, mỗi hốc nên trồng 2-3 tép hành.
  • Vùi toàn bộ phần gốc xuống đất đã trộn cùng đá Perlite hoặc giá thể, chỉ để lại thân hành khoảng 2 – 3cm để gốc hành đủ điều kiện hút chất dinh dưỡng của đất và mau phát triển. Việc thêm đá Perlite vào hỗn hợp đất giúp bộ rễ thông thoáng đồng thời giúp các rễ non có điều kiện bám dính tốt hơn.
  • Ngoài đất mùn, bạn cũng có thể sử dụng giá thể giống như cách trồng hành lá trong chai gồm: mụn dừa hoặc xơ dừa, đá perlite, peatmoss, pumice, phân trùn quế,…

Chăm sóc hành lá trồng trong chậu/ thùng xốp tại nhà:

  • Tưới nước sạch hàng ngày cho đất vừa đủ ẩm
  • Làm cỏ kịp thời ngay khi phát hiện để tránh cỏ cạnh tranh dinh dưỡng
  • Trong quá trình trồng bạn cần chú ý sâu xanh da láng vào mùa nắng và bệnh khô đầu lá vào mùa mưa để có biện pháp phòng chống kịp thời.
  • Khoảng 30 – 40 ngày sau khi trồng bạn có thể cắt lá ăn dần, sau đó bạn vẫn tiếp tục tưới nước và chăm bón để hành tiếp tục cho ra lá.
  • Sau khoảng 2 tháng có thể bón thêm phân trùn quế.

trồng hành há ngoài trời

3. Hướng dẫn cách trồng hành lá trong lõi giấy vệ sinh

trồng hành lá bằng lõi cuộn giấy

Tại sao lại chọn lõi giấy vệ sinh? Đó là vì lõi giấy vệ sinh có thể giữ ẩm cho đất mà chúng ta lại tận dụng được thứ thường bị bỏ đi này. Việc trồng trong lõi giấy vệ sinh cũng cực kỳ đơn giản như sau:

  • Bạn cho đất mùn tơi xốp và thoát nước tốt vào lõi giấy, cần thêm rễ hành lá dài 5cm để trồng.
  • Sau khi cắm ngập phần rễ hành lá vào đất, bạn tưới nước đủ ẩm cho đất và đem đặt tại nơi đủ ánh sáng tự nhiên như bệ cửa sổ, ban công.
  • Vài ngày sau gốc hành lá sẽ mọc mầm và phát triển thành cây. Khi hành lá đủ lớn bạn đã có thể cắt ngọn và để lại gốc tiếp tục chăm sóc cho những lá tiếp theo.

4. Hướng dẫn cách trồng hành lá trong khay giấy đựng trứng

Cách trồng này tương tự bên trên đó là bạn tận dụng được khay đựng trứng dư vào việc trồng hành lá.

khay đựng trồng hành lá

Cách thức có một chút khác biệt để cho phù hợp như sau:

  • Trước hết, đục lỗ nhỏ ở mỗi khay để nước thấm đều các khay khi đặt 5 khay chồng lên nhau. Ở môi trường này sẽ giữ ẩm được cho củ hành.
  • Sau đó bạn đặt củ hành khô vào với phần gốc hướng xuống dưới, phần ngọn hướng lên trên để trổ lá.
  • Tưới nước hàng ngày đủ ẩm cho toàn bộ khay, sau đó đặt tại nơi có ánh sáng tự nhiên, râm mát. Hàng ngày bạn nên tưới nước 2 lần vào buổi sáng và chiều mát cho củ hành mọc lá và sau một thời gian ngắn bạn sẽ có hành lá để sử dụng.

5. Hướng dẫn cách trồng hành lá trong nước

Với phương pháp này, bạn không cần chuẩn bị đất cũng như phân bón mà chỉ cần trồng trực tiếp hành vào nước.

Các bước chuẩn bị và thực hiện như sau:

  • Đầu tiên, bạn cần chai lọ thấp và miệng hẹp.
  • Cây hành lá thân xanh, gốc trắng dài từ 2 – 7cm.
  • Bạn đổ nước vào chai ngập phần rễ của hành. Sau đó đặt tại nơi có nhiều ánh sáng, lưu ý không phải ánh nắng trực tiếp chiếu vào vì cây sẽ bị sốc nhiệt.
  • Thay nước 2 ngày 1 lần, sau 7 ngày gốc sẽ đâm chồi và sau 14 ngày thân hành lá sẽ mọc lên cao và chuẩn bị được thu hoạch. Sau 3 lần cắt lá để sử dụng thì bạn bổ sung thêm một chút phân hữu cơ hoà tan vào nước để cung cấp cho phần gốc rễ.

6. Sử dụng giá thể khi trồng hành lá

Bên cạnh cách trồng hành lá bằng đất trồng thông thường thì việc sử dụng giá thể để trồng cũng rất phổ biến. Giá thể được dùng thường bao gồm: mụn dừa hoặc xơ dừa, đá perlite, đá pumice, peatmoss, phân trùn quế.

  • Mụn dừa trộn cùng peatmoss đóng vai trò là chất trồng thay thế đất thông thường. Mụn dừa có tác dụng giữ ẩm, che chắn cho bộ rễ. Tuy nhiên, mụn dừa dùng để trồng cần phải được xử lý các chất chát như tanin và ligin. Peatmoss là một dạng rêu mục, có chứa ít các thành phần dinh dưỡng, đóng vai trò chủ yếu là lưu lại các chất dinh dưỡng cung cấp từ bên ngoài cho cây.
  • Đá Perlite được trộn vào giá thể giúp cân bằng độ pH. Các hạt xốp nhẹ, ngậm một lượng nước nhất định kích thích rễ cây phát triển và tạo môi trường tốt cho rễ non bám dính, củng cố bộ rễ ngày càng chắc khỏe. Các tính năng nổi bật của đá Perlite là cung cấp liên tục nước và chất dinh dưỡng cho hành lá, lại nhẹ và trung tính. Nước giàu dinh dưỡng được giữ trong các lỗ xốp nhỏ trên bề mặt đá Perlite để sẵn sàng được sử dụng bởi rễ cây. Trong khi đó loại đá này còn có thể được tái sử dụng một cách tiết kiệm và an toàn để trồng hành lá những lứa tiếp theo hay trồng các loại cây khác tại nhà.

  • Đá pumice trắng chứa nhiều khoáng chất góp phần nuôi cây phát triển khỏe mạnh. Với đặc tính cứng nhưng chứa nhiều lỗ nhỏ li ti, đá Pumice đóng vai trò tốt trong việc hỗ trợ thoát nước, tạo môi trường thoáng khí cho rễ cây.
  • Phân trùn quế cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cây như đạm, lân, Kali, Canxi,..Ưu điểm của phân trùn quế là phân hữu cơ an toàn với cây trồng và sức khỏe con người. Bên cạnh đó, phân trùn quế có thể sử dụng bón luôn cho cây mà không cần ủ hoai như các loại phân khác, không gây mùi hôi khó chịu.

TRỒNG HÀNH LÁ SỐ LƯỢNG LỚN VÀ CHUYÊN MÔN HÓA

Điều này đòi hỏi việc chuẩn bị sẽ kỹ càng hơn một chút để có được năng suất cao. Vì hành lá là loại rau màu ngắn ngày, nên khâu làm đất càng phải được thực hiện kỹ hơn . Đất cần được làm tơi xốp, bón vôi xử lý đất, tiêu diệt côn trùng, nấm bệnh và vi khuẩn có trong đất khoảng 3 ngày trước khi trồng hành. Độ pH cần thiết nằm trong khoảng 5.5 – 7. Nếu đã sử dụng đá Perlite trung tính thì bạn có thể yên tâm về độ pH đã phù hợp cho cây.

Trồng cây bằng gốc thì bạn chọn gốc hành già, to, không quá non mềm, lá cứng có phấn trắng. Do cây hành lá là loại thân thảo, hình ống, mình nước và dễ bị úng gốc nên cần một chế độ tưới tiêu thích hợp. Bạn chỉ nên cung cấp cho cây hành một lượng nước vừa đủ. Đá Pumice sẽ giúp hệ thống thoát nước của đất diễn ra tốt hơn.

Liếp trồng hành có thể rộng từ 1,2 – 1,4m và cao khoảng 20 – 40cm, đất được làm tơi nhỏ và sạch cỏ dại. Mùa nắng liếp này có thể thấp khoảng 20 – 25cm là đạt yêu cầu cho cây.

Việc bón phân khi trồng lấy sản lượng lớn là cần thiết, nhưng cũng phụ thuộc vào độ phì nhiêu của đất và nhu cầu của cây. Bạn có thể pha phân vào nước tưới để bổ sung cho hành. Nên sử dụng các loại phân hữu cơ vi sinh để đảm bảo sức khỏe.

KẾT LUẬN

Hành lá là một trong số ít loại cây có thể trồng tiếp từ phần rễ đã bỏ đi, nên hiệu quả và năng suất đem lại cho người trồng khá cao. Bên cạnh đó, cách trồng hành lá tại nhà cũng rất đơn giản nên bất cứ ai cũng có thể trồng. Điều bạn cần chú ý chỉ là tạo một môi trường đủ ẩm, đủ ánh sáng và sạch sẽ để hành lá phát triển là bạn đã có những cây hành lá sử dụng quanh năm và an toàn cho gia đình mình. Hãy bắt tay thử ngay bây giờ nhé, chắn chắn bạn sẽ thành công.

Close
0936662211